Hơn 6 tháng sản xuất, trong đó là 3 tháng quá trình lên ý tưởng và viết kịch bản, để đem đến thành phẩm cuối cùng là một kịch bản đúng với tinh thần chuyển thể từ tác phẩm gốc – truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, đội ngũ biên kịch LK team đã có cơ hội để phát triển và “đút túi” thêm những bài học, kinh nghiệm trên con đường viết của họ.
Để tổng kết những ngày tháng đáng nhớ này, hãy cùng ngồi lại và trò chuyện với đội biên kịch khám phá và hiểu thêm về hành trình ra đời của kịch bản Chí Phèo nhé!

Những bản thảo thứ 1,2,3.. của kịch bản Chí Phèo
Về kỳ vọng ban đầu
Ban đầu đến với Kịch Truyền Thanh với vai trò biên kịch thì chúng mình cũng bỡ ngỡ lắm, chỉ mới chập chững chân ướt chân ráo để bắt đầu nghiêm túc viết một kịch bản hoàn chỉnh, cảm tính và cái tôi cá nhân của chúng mình còn cao và đặt vào trong dự án này nhiều. Sau những buổi training, học hỏi từ những người đi trước, chúng mình “được” cho phép viết tự do thoải mái, viết ra tất cả những ý tưởng trong đầu mình. Không có outline, không có kế hoạch gì vạch ra từ trước. Mặc dù đâu đó vẫn cảm thấy ngờ ngợ về con đường mình đang đi, cái mình đang viết ra, nhưng có lẽ chúng mình bám víu vào một cái cớ lớn lao hơn những logic thông thường – sự tự do. Chúng mình – với năng lượng tràn trề của sức trẻ đã viết liền tù tì trong một đêm để cho ra #1 draft Chí Phèo. Nhưng rồi sau đó chúng mình sụp đổ hoàn toàn (cười).

Ý tưởng đầu tiên về kịch bản chuyển thể Chí Phèo
Về những bước đi tiếp theo
Kể ra thì dài quá, vấn đề của chúng mình khi đó chính là đưa vào quá nhiều cái mới – quan điểm mới, tình tiết mới, thậm chí nhân vật mới, và nếu tất cả những cái đó khi đưa ra khán giả sẽ khó lòng được chấp nhận. Và kết cục là, chúng mình đau khổ vì những gì viết ra bị lật tẩy. Nhưng giờ nhìn lại, gáo nước lạnh ngay từ đầu lúc đó là một sự đánh thức với chúng mình, để lần đứng dậy tiếp theo trở nên lý trí hơn, dẫu còn lắm hoài nghi về khả năng của mình. Chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học trao cơ hội và cũng đặt ra thách thức cho các biên kịch, trong đó có chúng mình trong việc sáng tạo ra một “phiên bản” khác thông qua ngôn ngữ của một loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là với loại hình Kịch Truyền Thanh. Loại hình này ở Việt Nam còn mới, chúng mình chưa được tiếp xúc nhiều, đặc biệt để viết thì phải tư duy bằng âm thanh, làm sao để truyền tải hình ảnh trong đầu thông qua âm thanh, không phải cứ đưa ra thông tin bằng việc thoại nhiều, kể nhiều là tốt, âm thanh có thể làm được nhiều hơn thế, đó là những tiếng động, âm thanh môi trường vẽ không gian, đó là tiếng va chạm của những sự vật với nhau, là tiếng thở dài của người, hay đôi khi là những khoảng không thinh lặng. Ngoài việc viết để phục vụ cho khán giả của mình, giữ được tinh thần tác phẩm gốc, thì một yếu tố tối quan trọng là phải đáp ứng được loại hình này và khả thi trong giai đoạn sản xuất âm thanh.
Và rồi những bản draft #2, #3, #4 ra đời. Mọi bản draft mới được sinh ra ở một bậc cao hơn và có sự khác biệt rõ ràng so với phiên bản trước của nó (khác như thế nào thì sau này chúng mình sẽ có một bài chia sẻ thêm nhé!)
“Chúng mình học được rằng nghề sáng tạo là phải luôn luôn biết tự phủ định chính mình, tự vấn về những gì mình viết ra.”

Những buổi họp chỉnh sửa kịch bản cùng đạo diễn
Và rồi #5 draft rẽ sang một hướng khác sau khi đã đi qua rất nhiều draft khác nhau, chúng mình ngỡ ngàng nhận ra nó không còn phù hợp nữa, nó đã đi quá xa so với tác phẩm gốc và một khi đưa ra sẽ phải gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với khán giả. Chúng mình một lần nữa lặp lại sai lầm của #1 draft. Tuy nhiên lần này lại khác, nó không hoàn toàn vô nghĩa, vô ích, mà trái lại, đi một vòng như vậy khiến chúng mình trưởng thành lên hơn rất nhiều so với lần đầu chắp bút vào viết. Chúng mình đã viết quá ít để viết cho hay.
Đúc kết sau hành trình vừa qua
Kịch bản final cũng hoàn thành để chấp nhận đưa ra đối thoại cùng khán giả, phù hợp với tinh thần chuyển thể, vừa có cái mới ở đó mà vẫn đi theo nguyên tác tác phẩm. Sau những lần được đưa ra để khán giả thẩm định, kịch bản của chúng mình vẫn tiếp tục đổi mới, phát triển và tự hoàn thiện để ngày một tốt hơn. Qua đó, chúng mình nhìn lại, cảm thấy biết ơn vì đã viết, đã tự hoài nghi, đã tự đạp đổ tất cả những thành kiến và thành quả của mình. Bắt đầu từ con số 0, một con người vô danh, không là ai cả, viết một câu chuyện về Chí Phèo không phải cho chính chúng mình, mà là cho khán giả. Buổi công diễn vừa rồi là cơ hội để chúng mình được lắng nghe những góc nhìn từ phía những khán giả yêu mến Kịch Truyền Thanh qua tác phẩm đầu tay Chí Phèo, chúng mình hiểu thêm được những vướng mắc mà khán giả gặp phải trong quá trình thưởng thức, hành trình sắp tới của kịch bản Chí Phèo trên trang giấy vẫn chưa dừng lại ở đó, vì cái hay của kịch là được trình diễn trước và tiếp tục sửa đổi sau đó. Chúng mình hạnh phúc vì nhận được những sự quan tâm, động viên từ phía khán giả để tiếp tục tiến về phía trước. Tuy rằng trải nghiệm chúng mình còn thiếu nhiều lắm, và những gì chúng mình viết ra, giờ đọc lại mới thấy thật buồn cười kinh khủng, nhưng sau cơn cười giòn giã đó, định thần nhìn lại, chúng mình đã đi một quãng khá xa đấy chứ nhỉ?

Buổi công diễn Kịch Truyền Thanh “Chí Phèo” 25/03 tại sân khấu trường Múa TP. HCM
Chặng đường phía trước vẫn còn dài, hy vọng Kịch Truyền Thanh Chí Phèo sẽ tiếp tục được lan tỏa, chạm đến nhiều trái tim hơn nữa!